Để phòng ngừa sâu răng ở trẻ, phụ huynh là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất, bắt đầu ngay khi chiếc răng đầu tiên của trẻ mới nhú ra.
Thời kỳ mọc răng ở trẻ bắt đầu trong khoảng từ 6 – 8 tháng, các răng mới sẽ tiếp tục mọc thêm cho đến hai tuổi rưỡi với tổng cộng 20 chiếc. Từ 6 – 12 tuổi là độ tuổi trẻ bắt đầu thay răng. Trình tự thay răng của trẻ khởi đầu từ việc mọc chiếc răng cối - răng số 6 và kết thúc với chiếc răng số 7 khi được 12 tuổi.
Song, răng sữa đóng vai trò rất quan trọng trong việc nhai thức ăn, giúp cho xương hàm và bắp thịt phát triển. Ngoài ra, sự phát triển của phần dưới khuôn mặt cũng phụ thuộc vào việc sử dụng của xương hàm. Răng sữa giữ chỗ cho răng trưởng thành sau này, hơn nữa sự nguyên vẹn của răng cửa rất cần thiết cho cho trẻ phát âm rõ ràng.
Bác sĩ Lê Anh Nhựt, Chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau cho biết: Tốt hơn hết là nên đưa trẻ đi khám răng trước khi tất cả 20 chiếc răng mọc lên hết, hay là trong khoảng từ 2 - 3 tuổi. Tại các phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, phụ huynh sẽ được hướng dẫn cách bảo vệ và chăm sóc răng cho trẻ. Đồng thời, các bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp cũng như việc sử dụng khoáng chất fluor đúng cách. Khám răng định kỳ cho trẻ ít nhất 2 lần mỗi năm để sớm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý về răng miệng ở trẻ.
Sâu răng chính là sự phá hủy cấu trúc của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng. Sâu răng là bệnh thường gặp ở nhiều lứa tuổi, nhiều nhất là ở trẻ em. Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, trẻ bị sâu răng khi còn nhỏ có nguy cơ bị sâu răng nhiều hơn khi lớn lên. Vì vậy, việc phòng ngừa sâu răng sớm ở trẻ giúp tránh được các vấn đề quan trọng về răng miệng sau này.
Tại Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau hiện đang khám và điều trị các bệnh về răng cho trẻ từ 16 tuổi trở xuống, thường gặp là các bệnh về đa sâu răng, dính thắng lưỡi, môi, nang tuyến nước bọt, dị tật sứt môi hở vòm. Theo ghi nhận, số lượng bệnh nhi mắc các bệnh về răng miệng lại có xu hướng tăng dần theo mỗi năm. Từ đó cho thấy, tỷ lệ trẻ không được chăm sóc răng miệng đúng cách và khám răng định kỳ tại cơ sở y tế là rất thấp. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển về cấu tạo của răng, xương hàm và thẩm mỹ của gương mặt trẻ.
Nguyên nhân chính gây bệnh răng miệng ở trẻ, ngoài dị tật bẩm sinh đa phần là do phụ huynh không biết cách chăm sóc đúng cách. Trẻ không được vệ sinh răng miệng thường xuyên hoặc vệ sinh không đúng cách, chế độ ăn uống không hợp lý chứa nhiều chất đường, lớp men của răng sữa mỏng hơn so với răng vĩnh viễn, vi khuẩn dễ tấn công hơn… Sâu răng không được phát hiện sớm sẽ dẫn đến viêm tủy, áp xe chân răng, viêm mô bào rất nguy hiểm. Nếu không chữa trị sớm có thể biến chứng thành viêm tủy răng.
Chị Lâm Ngọc Thu, phường 5, thành phố Cà Mau chia sẻ: Qua thăm khám, bác sĩ cho biết bé nhà tôi bị tăng sinh nướu do trong quá trình đang mọc răng, nướu bị tét ra. Bé nhà tôi ăn uống kém lắm vì bị cấn nướu. Bác sĩ cũng chỉ ra cho tôi biết nguyên nhân chính là bé không được vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thường xuyên và chưa đúng cách.
Chính vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe răng miệng sớm cho trẻ là điều quan trọng đối với các bậc phụ huynh. Có nhiều cách bảo vệ và phòng ngừa bệnh răng miệng cho trẻ, trong đó, cha mẹ nên lưu ý đến việc chọn bàn chải, kem đánh răng phù hợp lứa tuổi và thực hành chải răng đúng cách.
Để giúp trẻ có những chiếc răng đầu tiên khỏe đẹp, người mẹ phải ăn uống đầy đủ dưỡng chất ngay từ thời kỳ mang thai, đặc biệt là những thực phẩm giàu đạm, giàu calcium… Tập cho trẻ những thói quen ăn uống tốt như ăn đầy đủ các chất, hạn chế ăn quà vặt, đặc biệt là những thức ăn, thức uống chứa nhiều đường. Tập cho trẻ súc miệng, chải răng đúng cách ngay sau khi ăn và tối trước khi đi ngủ với kem đánh răng dành cho trẻ em. Đưa bé đi khám răng định kỳ mỗi 6 tháng và bổ sung fluor khi cần thiết theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, để phòng ngừa sâu răng ở trẻ, người lớn không nên nhai hay cắn thức ăn rồi đút cho trẻ. Không nên cho trẻ sử dụng chung muỗng, đũa với người bị sâu răng, sử dụng chung bàn chải đánh răng, ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Đặc biệt là không cho trẻ sử dụng răng cắn những vật cứng gây sang chấn và chấn thương khớp cắn. Các răng mọc lệch lạc cần được khám và điều chỉnh ngay, bác sĩ Nhựt thông tin thêm.