Hàng năm người lao động trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, đều tổ chức và thực hiện tuần lễ Vệ sinh an toàn lao động (từ 15/3 - 21/3). Có thể nói, hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn lao động được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động. Còn đối với công tác vệ sinh lao động, chính là giải pháp phòng, chống các tác động của những yếu tố có hại có thể gây ra bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình tham gia lao động.
Năm 2015, Quốc hội đã ban hành Luật An toàn vệ sinh lao động. Có thể nói, đây chính là điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh trong quá trình lao động; khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động. Theo đó, người lao động được thực hiện chế độ lao động, chăm sóc sức khỏe, thăm khám để phát hiện các căn bệnh nghề nghiệp. Cần tổ chức triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn vệ sinh lao động đến các đối tượng, chủ thể có liên quan. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng cần phải đổi mới theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của doanh nghiệp và người lao động, kể cả người có quan hệ lao động và người nằm ngoài quan hệ lao động đối với công tác an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, cũng cần tuyên truyền, phổ biến tốt Luật và các văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ quyền và trách nhiệm, những việc phải làm nhằm bảo đảm sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của người lao động, giúp cho doanh nghiệp, xã hội phát triển một cách bền vững.
Ông Nguyễn Thành Hơi, chủ Công ty xây dựng An Tín Home, thuộc ấp 2, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau cho biết: “Trong phạm vi của mình, công ty chúng tôi vẫn thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người lao động tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tham gia thực hiện quyền kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình đã được qui định trong Luật”.
Rõ ràng Luật An toàn, Vệ sinh Lao động ra đời là dấu ấn quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động cũng như công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp. Luật An toàn Vệ sinh Lao động ra đời đã tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo tính thực thi cao hơn, đồng thời tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành vi của các cơ quan quản lý nhà nước về lao động; của mỗi doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động. Thật vậy, từ khi Luật An toàn vệ sinh lao động ra đời quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động đã chuyển biến rõ nét từ tự phát lên tự giác trong khuôn khổ pháp luật.
Anh Mã Thành Nghĩa, là công nhân lao động thời vụ cho nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh chia sẻ với chúng tôi: “Hiện nay có một số doanh nghiệp đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tư nhân thường là họ tự mua các loại máy móc, thiết bị lao động cũ (máy cẩu, xe nâng) về rồi tự sửa chữa, hoán cải, lắp ráp để sử dụng nên rất dễ gây nguy hiểm. Do đó, theo tôi nghĩ nhà nước cũng cần có các quy định cụ thể việc quản lý kiểm định chất lượng đối với những loại thiết bị này”.
Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, trong quá trình lao động, sản xuất tình trạng này vẫn còn xảy ra do nhiều nguyên nhân như: Bất cẩn, trục trặc kỹ thuật, sai thao tác… Vì thế, giải pháp tốt nhất là người lao động và người sử dụng lao động cần phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Ngoài ra cũng cần chủ động tìm hiểu về các điều kiện, quyền lợi được hưởng chế độ về tai nạn lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.