image banner
NỖI LO VIỆN PHÍ CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ
Bệnh ung thư, đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Điều đáng lo ngại hơn, căn bệnh nan y này lại đang có xu hướng trẻ hóa. Ung thư không những là nỗi ám ảnh từ sự đau đớn về thể xác, tinh thần, tuổi thọ của người bệnh mà nó còn là gánh nặng chi phí điều trị cho kinh tế gia đình bệnh nhân. Bởi thực tế cho thấy, có rất nhiều loại thuốc đặc trị ung thư không nằm trong danh mục được thanh toán theo chế độ của Bảo hiểm y tế hiện nay.

Theo số liệu tổng hợp của Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cho biết, tính đến đầu tháng 8 năm 2024, đơn vị đã tiếp nhận khám, chăm sóc và điều trị cho 3.148 trường hợp mắc bệnh ung thư, tăng 219 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có tới gần 200 trường hợp đang được điều trị chăm sóc giảm nhẹ (giai đoạn cuối) tại khoa. Nhiều người trong số này có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Trong khi gánh nặng cho công tác điều trị ung thư là khá lớn, nhất là đối với những bệnh nhân phải thực hiện các phương pháp điều trị kết hợp như: Phẫu thuật, hóa trị toàn thân và xạ trị.

Điển hình như trường hợp của bà P.T.D, 42 tuổi, ngụ ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Bà D bị K tuyến vú và đã di căn sang hạch cổ, sau nhiều năm điều trị tích cực dù cơ bản các khối u trên cơ thể của bà đã được khống chế, nhưng chi phí cho mỗi lần lên tuyến trên để thực hiện điều trị (thường là 20 ngày/lần), lên đến hàng chục triệu đồng, kể cả việc mua thêm thuốc đặc trị được bác sĩ kê toa ngoài danh mục, các loại dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện và cả những thứ không tên khác. Cũng như bà D, ông N.V.S, 69 tuổi, ngụ ấp Tân Hòa B, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi bị mắc chứng K phổi giai đoạn 3, cứ sau mỗi 20 ngày ông lại phải lên Bệnh viện ung bướu thành phố Hồ Chí Minh để hóa trị toàn thân một kỳ và có những chuyến đi gia đình ông đã phải chi phí gần 20 triệu đồng. Có thể nói, đây là các khoản chi phí mà không phải kinh tế của gia đình bệnh nhân ung thư nào cũng có thể gánh được.  

Ông V.T.T, 52 tuổi, ngụ khóm 5, phường 9, thành phố Cà Mau, bị ung thư phổi giai đoạn cuối, hiện ông đang được chăm sóc giảm nhẹ tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, tâm sự: “Gia cảnh của tôi không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định. Lúc còn khỏe mạnh, thì hằng ngày vợ chồng tôi cũng chỉ biết đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống qua ngày. Bây giờ bị bệnh như thế này vào đây điều trị, bảo hiểm y tế thanh toán được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, chứ đâu có điều kiện để mua thêm thuốc đặc trị bên ngoài”.  

Theo một thống kê gần đây của ngành y tế cho thấy, hiện có khoảng 1/3 số bệnh nhân bị ung thư không có đủ điều kiện để mua thuốc đặc trị sau 12 tháng kể từ khi được phát hiện. Có khoảng 22% số bệnh nhân không đủ tiền để thanh toán cho các khoản chi phí, dịch vụ đi lại và có đến gần 25% số gia đình bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh khánh kiệt, phải chạy vạy vay mượn người thân, bạn bè khắp nơi. Thậm chí có gần 10% trong số này phải chấp nhận cầm cố, sang bán nhà cửa, đất đai để có thể có tiền điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Nhã, Phó trưởng Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, nguyên nhân là do: “Có tới hơn 50% số bệnh nhân khi được phát hiện bị ung thư, đều ở vào giai đoạn muộn. Đây là một trong những lý do khiến cho chi phí của việc điều trị tăng cao và khá tốn kém cho gia đình người bệnh. Điều đáng lo ngại không chỉ là vấn đề về tài chính, mà ngay cả đối với tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cũng đang ngày càng gia tăng và có xu hướng dịch chuyển đến nhóm người trẻ tuổi hơn, thường là dưới 40 tuổi…”.  

Có thể nói, việc giảm gánh nặng tài chính cho quá trình chữa trị đối với bệnh nhân ung thư là vấn đề cực kỳ cần thiết hiện nay, nhất là đối với những trường hợp bắt buộc phải điều trị phối hợp giữa phẫu thuật, xạ trị và cả hóa trị toàn thân. Tuy nhiên, làm thế nào để bệnh nhân ung thư có thể tiếp cận được với các nhóm thuốc điều trị ung thư mới, giúp tăng cơ hội điều trị, kéo dài sự sống cho bệnh nhân mà mức chi phí phù hợp vẫn là câu hỏi khó. Mặc dù hiện nay có nhiều loại thuốc đặc trị đã có mặt trên thị trường, hiệu quả điều trị là khá cao, thế nhưng vẫn chưa được phê duyệt kịp thời vào danh mục thuốc được bảo hiểm y tế phải chi trả.

Thực tế cho thấy, khác với những bệnh lý khác, ung thư là căn bệnh rất nguy hiểm vì nguy cơ tử vong cao trong thời gian ngắn, trong khi việc điều trị phải kéo dài, nên luôn tạo ra áp lực gánh nặng về tài chính cho bệnh nhân và gia đình là rất lớn. Do vậy, để có thể tăng cơ hội sống và khả năng chữa trị, điều cốt lõi vẫn là cần phải được tầm soát, chẩn đoán và phát hiện sớm, từ đó các bác sĩ chuyên khoa sẽ có cách lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp theo từng giai đoạn khác nhau của mỗi bệnh nhân.

Phương Vũ
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.11.2024
  • TTND - Bác sĩ Trương Minh Thắng - Nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Minh Hải - Cà Mau kể về công tác y tế trong sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954
  • Phòng chống Sốt rét
  • TẠP CHÍ YHSK 18.10.2024
  • TẠP CHÍ YHSK 20/9
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 762
  • Trong tuần: 5 305
  • Tất cả: 1020837

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com