image banner
Phòng tránh biến chứng do tăng huyết áp
Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. 

Điều đáng lo ngại là thời gian gần đây số lượng bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng cao và trẻ hóa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn còn lơ là, không chủ động kiểm tra sức khỏe, đặt biệt là không hề quan tâm đến chỉ số huyết áp của bản thân. Đến khi có các dấu hiệu nặng lên hoặc khi khám về một bệnh lý khác thì mới phát hiện mình bị tăng huyết áp. Trong khi đó, bệnh tăng huyết áp chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam, bác sĩ Hồ Thanh Đảm, Trưởng khoa Truyền thông - GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết.

Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp, bao gồm các thói quen không tốt như: Ăn mặn, hút thuốc lá, thuốc lào, uống nhiều rượu bia, ít vận động. Bên cạnh đó, những người thường hay căng thẳng, lo âu quá mức; những người mắc các bệnh thừa cân béo phì, tăng mỡ máu, đái tháo đường và mắc các bệnh về thận cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Đặc biệt, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh huyết áp càng cao.

Bác sĩ Hồ Thanh Đảm, cho biết thêm: Tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm và không có dấu hiệu gì cụ thể, nhưng gây biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” và nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Đau tim, đột quỵ, chứng phình động mạch, suy tim, suy thận, xuất huyết võng mạc, biến chứng não…

Việc kiểm soát tốt huyết áp của bản thân giúp hạn chế được những biến chứng nguy hiểm từ căng bệnh này. Đối với người bị tăng huyết áp có kèm theo đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp thì nguy cơ bị bệnh tim mạch rất cao. Kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 giúp giảm 24% nguy cơ biến chứng tim mạch. Người bị tăng huyết áp có kèm rối loạn chuyển hóa lipid nếu không được điều trị tốt cả 2 bệnh này thì nguy cơ biến chứng tim mạch cũng tăng rất cao. Ngược lại, nếu điều trị bệnh tốt thì cứ giảm được 10% trị số huyết áp và 10% cholesterole toàn phần sẽ giúp giảm tới 45% nguy cơ bị tử vong do biến chứng tim mạch.

Bệnh tăng huyết áp cần điều trị lâu dài, liên tục và đạt được huyết áp mục tiêu mong muốn nhằm hướng tới cải thiện chất lượng lâu dài cho cuộc sống người bệnh. Nếu điều trị tốt tăng huyết áp có thể giảm 20-25% nhồi máu cơ tim, 35-40% nguy cơ đột quỵ, 50% nguy cơ suy tim, 30-40% nguy cơ tử vong do tim mạch và giảm nguy cơ bị đái tháo đường.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cũng như phòng tránh biến chứng của bệnh, cần thực hiện tốt các biện pháp can thiệp như: Thực hiện cai thuốc lá, cai bia rượu đối với người nghiện nặng. Giảm ăn mặn, ăn ít hơn 4g muối mỗi ngày. Thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, ít béo. Tăng cường tập thể dục ít nhất 30-45 phút mỗi ngày và tập đều đặn 7 ngày một tuần. Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo dõi chỉ số huyết áp của bản thân và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc sao chép đơn thuốc của người khác để tự điều trị, bác sĩ Đảm khuyến cáo.

Lê Kim
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ YHSK 20/9
  • PHÒNG CHỐNG BỆNH BẠCH HẦU, HO GÀ
  • PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU
  • PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU
  • KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG DỊCH VỤ XÉT NGHIỆM HIV ONLINE
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 456
  • Trong tuần: 5 675
  • Tất cả: 987521

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com