image banner
Chủ động phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu

Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Bệnh xuất hiện với các triệu chứng như sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu thuộc nhóm B trong quy định, tại Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Theo các chuyên gia y tế, vi khuẩn não mô cầu nhóm B là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất tại Việt Nam trong 15 năm qua. Vi khuẩn này gây các bệnh cảnh như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi và để lại nhiều di chứng nặng nề như liệt, điếc, cắt cụt chi, thiểu năng trí tuệ...

Ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu, trong đó có khoảng 135.000 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hàng chục ca mắc viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu các nhóm khác nhau.

Theo các chuyên gia y tế, trường hợp não mô cầu thể tối cấp, bệnh diễn tiến nhanh trong 24 giờ qua 3 giai đoạn. Cụ thể, trong 8 giờ đầu bệnh nhân thường sốt, cáu gắt, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, đau họng, sổ mũi. 8 giờ tiếp theo, trên ngực, khớp gối, khuỷu tay, chân xuất hiện các xuất huyết, cứng cổ, sợ ánh sáng, nôn. 8 giờ cuối được xem là đã muộn khi người bệnh hôn mê hoặc mê sảng, co giật, mất ý thức và tử vong.

Bác sĩ Dương Thị Tú, Trưởng Khoa Dân số - Truyền thônggiáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước cho biết: Bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây ra là bệnh lây từ người sang người, qua đường hô hấp. Vi khuẩn não mô cầu lây qua dịch tiết mũi, hầu họng bắn ra trực tiếp lúc nói chuyện, hắt hơi. Nguồn lây bệnh có thể đến từ người lành mang trùng, tức người mang vi khuẩn tại hầu họng nhưng không biểu hiện triệu chứng nên khó kiểm soát.

Nếu không may mắc bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu và không được điều trị kịp thời ngay từ những giờ đầu thì nguy cơ tử vong và diễn biến nặng là rất cao. Vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng nề hoặc nguy cơ tử vong.

Bên cạnh đó, để phòng chống bệnh một cách hiệu quả, mọi người cần chủ động tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu để bảo vệ cho bản thân và hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng, gia đình.

Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, có hơn 50% người khỏe mạnh mang vi khuẩn não mô cầu. Thanh, thiếu niên và người lớn thường mang vi khuẩn não mô cầu không triệu chứng và là nguồn lây truyền chủ yếu trong cộng đồng. Các đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, người cao tuổi, người có bệnh lý nền mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, thận mãn tính… Hiện nay, bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu ở người lớn vẫn còn là một thách thức lớn về sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; Vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ từ 2 tuổi trở lên; Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.

anh tin bai

 

Mai Thanh
Video truyền thông
  • PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU
  • PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU
  • KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG DỊCH VỤ XÉT NGHIỆM HIV ONLINE
  • NHẬN BIẾT SỚM BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT ĐỂ ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ
  • THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 193
  • Trong tuần: 4 341
  • Tất cả: 964833

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com