image banner
Quảng cáo gây nhầm lẫn về các sản phẩm thuốc lá mới
Những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường đã và đang xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới. Phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs)

Trên toàn cầu ước tính có 37 triệu trẻ em trong độ tuổi 13 - 15 sử dụng thuốc lá. Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên đã cao hơn tỷ lệ sử dụng ở người trưởng thành.

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu của nam giới trưởng thành tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (41,1% - điều tra STEPS - WHO 2021). Đối với thuốc lá điện tử, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) năm 2015 là 0,2% (GATS 2015), năm 2020 là 3,6% (PGATS 2020). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 (7,3%) sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%) (PGATS 2020)

Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được các công ty quảng bá với tên gọi là "sản phẩm giảm hại". Điều này đã làm cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hiểu lầm rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không có hại, không gây nghiện. Tổ chức Y tế thế giới khẳng định đây là những quảng cáo gây nhầm lẫn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá điện tử không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc trở thành nghiện nicotin. Những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường cao gấp 2-3 lần so với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường. Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...

Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng. WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.   

Thực tế cho thấy, các sản phẩm thuốc lá mới đang nhằm vào giới trẻ. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.

Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Các đối tượng tội phạm ma tuý pha trộn ma tuý vào dung dịch để lôi kéo các em hút thuốc nhằm dẫn dắt các em vào con đường nghiện ma tuý.

Theo thống kê sơ bộ tại Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch mai, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc nicotin và ma tuý tổng hợp. Do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khoẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ, nếu không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam trước khi quá muộn thì thế hệ trẻ sẽ phải gánh chịu hậu quả rất lớn.

Trên Thế giới đã có 42 nước cấm thuốc lá điện tử. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15, trong đó thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, trực tự, an toàn xã hội. Đến ngày 01/01/2025 Việt Nam chính thức cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử. Đây là một quyết định mạnh mẽ từ Chính phủ nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu những hệ lụy nghiêm trọng mà thuốc lá gây ra, đặc biệt là đối với giới trẻ.


Lê Kim
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ YHSK 4.7.2025
  • CHỦ ĐỘNG PHÒNG HIV BẰNG DỊCH VỤ XÉT NGHIỆM HIV ONLINE
  • TẠP CHÍ Y HỌC SỨC KHỎE 6.6.2025
  • KHUYẾN CÁO CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH COVID-19
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 9.5.2025
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 745
  • Trong tuần: 7 982
  • Tất cả: 1233319

Mạng xã hội

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau 

Đơn vị chủ quản: Sở Y tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Trần Hiến Khóa - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Địa chỉ: Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường Tân Thành, Tỉnh Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com