image banner
HIỂM HỌA BỆNH NHỒI MÁU CƠ TIM
Theo bác sĩ Trần Hoán Toàn, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau: “Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm đe doạ tính mạng do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Khi cơ tim hoàn toàn không được cung cấp máu thì cơ vùng cơ tim ấy sẽ hoại tử gây triệu chứng đau ngực dữ dội. Tùy theo bao nhiêu cơ tim bị hủy, bệnh có thể nhẹ hoặc nặng. Nếu cơ chưa bị hủy hẳn thì gọi là "đau tim". Nhồi máu cơ tim là tình trạng khẩn cấp, người bệnh có thể tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Có đến 10% các ca nhồi máu cơ tim đều dẫn đến đột tử”.

Biểu hiện thường gặp của căn bệnh nhồi máu cơ tim là đau ngực trái dữ dội, kéo dài từ hơn 15-30 phút. Trong cơ đau có khi kèm vã mồ hôi và khó thở, mệt nhiều, người bệnh không dám vận động nặng vì gia tăng cơn đau. Đau có thể lan ra cánh tay trái đến ngón út và áp út bàn tay trái, hoặc có thể lan sau lưng hoặc hàm dưới trái. Đáng chú ý là ở những người đã có tiền sử về căn bệnh thiếu máu cơ tim, cơn đau có thắc ngực luôn dữ dội không giảm mặc dù sau khi đã sử dụng thuốc đặt trị theo toa của bác sĩ. Điều hết sức nguy hiểm hơn, một số người bị nhồi máu cơ tim có thể chỉ biểu hiện như khó thở nhẹ hay mệt khi vận động mà không đau ngực. Do đó có thể nhồi máu cơ tim sẽ bị bỏ sót. Vì vậy, có những trường hợp bệnh nhân chỉ than mệt trước đó vài giờ, nhưng sau đó lại đột nhiên tử vong.

 

Nhồi máu cơ tim được coi là hậu quả của bệnh mạch vành tiến triển trong nhiều năm. Khi đó các mảng xơ vữa bám trong lòng mạch bị xơ cứng, nứt vỡ, kích hoạt cục máu đông hình thành ngay bên trên bề mặt. Trong khi tim vốn cần một lượng oxy rất lớn để bơm máu tới khắp nơi trên cơ thể, nhưng cục máu đông phát triển đủ lớn, có thể chặn đứng hoàn toàn lưu lượng máu giàu oxy đến tim. Nếu lòng mạch không được khơi thông, các tế bào cơ tim bắt đầu chết đi, tạo thành một tổn thương không thể phục hồi. Đó chính là khởi nguồn của cơn nhồi máu cơ tim đột ngột, đe dọa tính mạng người bệnh cần phải được cấp cứu kịp thời.

 

Việc có kịp thời cứu sống bệnh nhân hay không, đòi hỏi cần phải hành động một cách nhanh chóng ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn nhồi máu cơ tim. Bác sĩ Trần Hoán Toàn cho biết thêm: “Từ lúc bệnh nhân đang có biểu hiện của một cơn đau tim như đau thắt ngực hoặc đau quỵ xuống cho đến lúc được can thiệp động mạch vành để làm thông mạch dưới 2 giờ là thời gian tốt nhất, tỷ lệ sống cao nhất và đây được xem là “thời gian vàng” đối với nhồi máu cơ tim”.

 

Thống kê những trường hợp cấp cứu và điều trị về nhồi máu cơ tim của ngành y tế nước ta đã cho thấy, một thực trạng đáng buồn là chỉ có gần 2% bệnh nhân đến sớm để cấp cứu trong khoảng “thời gian vàng” như trên, Còn lại đại đa số người bệnh khi lên cơn đau tim đến bệnh viện đều quá muộn, nên rất nhiều trường hợp không cứu được hoặc cấp cứu được nhưng để lại di chứng nặng nề cho sức khỏe sau này. Theo các bác sĩ chuyên khoa, thời gian bệnh nhân bị đau tim nếu đến nhập viện sau 12 giờ là quá muộn để điều trị được hiệu quả và an toàn. Khi can thiệp động mạch quá muộn, dẫn đến một phần hoặc toàn bộ cơ tim bị chết, tổn thương nặng, nhiều trường hợp bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy tim…

 

Trên thực tế việc điều trị bệnh nhồi máu cơ tim chỉ mang tính chất tức thời, nếu người bệnh có chế độ sinh hoạt hợp lý thì bệnh nhân vẫn có thể chống lại được những di chứng có thể gặp sau này. Cách phòng tránh tốt nhất là nên thường xuyên kiểm soát cholesterol máu (lipid máu); tránh khói thuốc lá; kiểm soát huyết áp; tránh để dư thừa trọng lượng cơ thể. Đồng thời nên tích cực vận động thể lực; tránh để căng thẳng thần kinh quá mức và luôn chủ động đề phòng căn bệnh có thể tái phát bất cứ khi nào.

 

Các bác sĩ chuyên khoa về tim mạch khuyến cáo, để có trái tim khỏe mạnh, những người có tiền sử bị bệnh nhồi máu cơ tim hay có các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim đều cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám thường xuyên phát hiện sớm các nguy cơ nhồi máu cơ tim và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Phương Vũ
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 19.4
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 421
  • Trong tuần: 4 491
  • Tất cả: 845912

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com