image banner
Sử dụng vắc xin kịp thời - Hạn chế tử vong do bệnh dại

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Người nhiễm virus dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì gần như 100% là tử vong.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua. Từ đầu năm 2020 đến nay đã có 57 người tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh thành của Việt Nam. Con số này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và đáng lo ngại vì đã có các trường hợp bệnh dại xuất hiện ở những tỉnh trước đây không có trường hợp bệnh nào.

Tại tỉnh Cà Mau, trong 8 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xuất hiện 10 ổ dại và 04 ca tử vong do không tiêm vắc xin phòng bệnh. Trước sự nguy hiểm của bệnh dại có thể đe dọa đến tính mạng con người, nếu người dân không chủ động tiêm ngừa vắc xin dại khi bị chó, mèo cắn. Ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau xây dựng và đã tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức phòng chống bệnh dại cho nhân viên y tế, nhân viên thú y của các huyện, thành phố. Tăng cường phối hợp với cơ quan thú y kiểm tra, giám sát và xử lý khi phát hiện ổ dịch dại trên đàn chó, mèo. Tăng cường vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức và nhận thức của người dân về bệnh dại, cũng như tự giác tiêm phòng bệnh dại cho động vật nuôi. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với ngành thú y rà soát, tiêm phòng cho đàn chó, mèo hằng năm.

Theo thống kê, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau có khoảng 200.000 con, phần lớn người dân nuôi thả rông. Tỷ lệ tiêm ngừa phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo hàng năm chỉ đạt trên 10%. Chính vì vậy, công tác phòng chống bệnh dại trên đàn chó, mèo vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Phục Nguyễn, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Năm Căn cho biết: Công tác phòng chống bệnh dại tại địa bàn huyện được kiểm soát chặt chẽ, trong nhiều năm nay không có trường hợp nào xuất hiện. Công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, trường học và các phương tiện truyền thông về các biện pháp phòng bệnh dai trên người và động vật được thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua đó, nhằm mục đích nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh dại, cũng như thực hiện các khuyến cáo mà ngành Y tế đưa ra. Thế nhưng, tỷ lệ tiêm phòng dại cho người dân vẫn còn thấp, đây còn là nỗi lo cho cộng đồng khi động vật nuôi chưa được tiêm phòng dại triệt để.

Thực tế cho thấy, hiện nay công tác phòng chống bệnh dại còn gặp khó khăn, khi một bộ phận không nhỏ người nuôi chó chưa tự giác tiêm phòng vắc xin dại, còn có tâm lý không hợp tác với thú y trong tiêm phòng. Tập quán nuôi chó thả rông vẫn phổ biến ở các địa phương, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin dại. Đặc biệt là một số người dân còn chủ quan trong phòng chống bệnh dại. Khi bị chó nghi dại cắn không đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại kịp thời mà lại chủ quan sử dụng các phương pháp dân gian như lấy nọc, uống thuốc nam để phòng và điều trị bệnh tại nhà. Đây là những quan niệm lỗi thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và nguy hiểm hơn là gây tử vong khi đã lên cơn dại.

Bác sĩ Đặng Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết: Người dân vẫn còn chủ quan khi đã bị chó, mèo cắn thì đi tiêm không đủ mũi, nên không phòng được bệnh dại. Bên cạnh đó, còn hạn chế kiến thức trong phòng bệnh dại, xử lý vết cắn chưa đúng, chữa trị bằng các biện pháp dân gian… Đây là những sai lầm dẫn đến các ca tử vong do bệnh dại gần đây. Chính vì vậy, mọi người dân phải trang bị kiến thức về phòng chống bệnh dại, đồng thời phối hợp tốt với ngành Y tế để công tác phòng chống bệnh dại đạt hiệu quả, tránh trường hợp tử vong vì bệnh dại.

Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên có thể phòng, điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Để chủ động phòng chống bệnh Dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được  đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod, hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương, đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng dại mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Mai Thanh
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 19.4
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 144
  • Trong tuần: 5 210
  • Tất cả: 850701

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com