image banner
PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI

             Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

          Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng như chó sói, chó rừng, chó nhà, mèo, chồn, cầy, cáo và động vật có vú khác. Ở Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu.

          Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.

          Tình hình bệnh Dại tỉnh Cà Mau năm 2023 ghi nhận 26 ổ dịch dại trên động vật, 2 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 01 ổ dịch dại trên người, 01 ổ dịch dại trên động vật. Để phòng ngừa bệnh dại cần lưu ý một số vấn đề sau:

* Quản lý chó, mèo

- Quản lý 70% số hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn tỉnh.

- Tiêm phòng vắc xin dại đầy đủ tổng đàn chó, mèo nuôi tại các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

- Diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch. Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại, vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng có dịch.

- Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt. Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dại theo quy định. Những con khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

- Những người trực tiếp thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi có ổ dịch phải thực hiện biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

- Không vận chuyển, đưa chó, mèo ra, vào vùng có dịch.

* Những người có nguy cơ mắc bệnh dại cao:

          Có 04 nhóm người có nguy cơ mắc bệnh dại cao gồm:

          Thứ nhất, Người làm nghề giết mổ chó, mèo: Những người này thường xuyên tiếp xúc với chó mèo, trong quá trình giết mổ nhiều khả năng sẽ bị chó mèo cắn hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết. Nếu những con chó mèo này mang vi rút dại thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao.

          Thứ hai, Trẻ em, ở nhóm này có nhiều đặc điểm dễ lây truyền bệnh dại như: Thường xuyên chơi đùa với chó mèo, trong quá trình chơi đùa khả năng bị chó, mèo cắn, cào hoặc liếm nơi da bị tổn thương mà người nhà không hay biết hoặc trẻ không chủ động nói. Hơn nữa tầm vóc của trẻ em thấp nên khả năng bị cắn vào vùng đầu, mặt, cổ nơi gần thân kinh trung ương là rất cao.

          Thứ ba, cán bộ làm công tác thú y, kiểm lâm, phòng chống dịch: Do vi rút dại lưu trú trong động vật có vú máu nóng như chó sói, chó rừng, chó nhà, mèo, chồn, cầy, cáo và động vật có vú khác nên trong quá trình làm việc như bắt, nhốt, tiêm ngừa thì những cán bộ làm công tác thú y, kiểm lâm cũng dễ bị lây nhiễm.

          Thứ tư, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại: Ở những nơi có bệnh dại lưu hành và tình trạng cho thả rong nhiều thì nguy cơ lây nhiễm từ chó, mèo sang người rất lớn do đàn chó không được kiểm soát chặt chẻ, xu hướng cắn người rất cao.

* Xử trí vết thương

          - Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.

          - Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phòng bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.

          - Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.

* Tiêm ngừa điều trị dự phòng

          - Trước phơi nhiễm: Tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại.

          - Sau phơi nhiễm: Điều trị dự phòng nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, bao gồm: rửa vết thương, tiêm vắc xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại nếu có chỉ định.

            - Đảm bảo tiêm đúng phát đồ, đúng lịch, đủ liều

 

Bs. Nguyễn Văn Đọc
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 19.4
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 384
  • Trong tuần: 4 359
  • Tất cả: 854916

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com