image banner
Người hút thuốc lá thụ động dễ mắc ung thư phổi

Hiện nay, bệnh ung thư phổi ở nước ta ngày càng gia tăng nhanh chóng. Trung bình hàng năm, có thêm trên 26.000 người mắc ung thư phổi và có tới hơn 23.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi.

Bệnh có thể gặp phải ở cả nam và nữ, ung thư phổi có sự diễn tiến âm thầm theo thời gian. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối thì tiên lượng bệnh là không còn, người bệnh chỉ có thể điều trị hỗ trợ giảm đau, ngăn ngừa biến chứng và kéo dài thêm sự sống.

Khói thuốc được xem là thủ phạm khiến không ít người mắc ung thư phổi, dù họ chưa từng hút. Hút thuốc lá thụ động là hình thức hít khói thuốc từ không khí mà không trực tiếp hút thuốc lá hoặc thuốc lào, xì gà... Dòng khói phụ từ đầu điếu thuốc lá đang cháy tỏa ra ngoài trộn với khói chính người hút thuốc lá nhả ra tạo thành “khói thuốc lá tỏa ra môi trường” hay còn gọi là “khói thuốc lá thụ động”.

Khói thuốc là khói bốc ra từ thuốc lá đang cháy hoặc sản phẩm thuốc lá khác, hoặc bốc ra bởi những người đang hút thuốc. Những người hít phải khói thuốc lá tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư giống như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn. Người hút thuốc không chỉ bào mòn cuộc sống của chính mình mà còn ảnh hưởng sức khỏe người thân, người xung quanh. Người hút thuốc thường hít vào phổi bằng luồng khói chính nhưng chỉ chiếm khoảng 20%, 80% các luồng khói còn lại từ thuốc lá gọi là luồng khói phụ, giữa các lần hít thuốc, ra môi trường xung quanh.

Bác sĩ Bùi Béc Gol, Trưởng TYT xã Đông Hưng, huyện Cái Nước cho biết: Luồng khói phụ độc hại gấp nhiều lần luồng khói chính, đây chính là nguyên nhân gây ung thư phổi cho những người hít phải khói thuốc lá thụ động hay trong gia đình có người hút thuốc. Bên cạnh đó, mọi người hay lầm tưởng nicotine trong thuốc lá gây ung thư, tuy nhiên nicotine chỉ là chất gây nghiện, các hóa chất Hydrocarbon thơm mới là các chất gây ung thư. Theo thống kê 90% nam giới bị ung thư liên quan tới thuốc lá. Với ung thư phổi ở nữ giới, chiếm 50-80% liên quan tới thuốc lá hút thụ động hoặc chủ động. Đối với trẻ em, hút thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Ngoài ung thư phổi, thuốc lá còn là tác nhân gây ra các ung thư vòm họng, hạ họng, thanh quản chiếm 75% và ung thư bàng quang chiếm 5%.

Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với những người không hút thuốc. Do đó, đừng bao giờ thử hút thuốc. Hút thuốc lá thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Những người hít phải khói thuốc lá cũng tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư tương tự như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn. Do đó, hãy hạn chế đến các khu vực nơi mọi người hút thuốc hoặc yêu cầu người hút thuốc ra xa nơi mình làm việc.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, những người sống ở khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Vì vậy, cần có những biện pháp để loại bỏ hoặc giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tác động tới sức khỏe. Cần có chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều trái cây, rau quả. Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng chống lại những yếu tố độc hại. Việc tập thể dục không chỉ an toàn và khả thi trong quá trình điều trị ung thư, mà còn có thể cải thiện mức độ hoạt động về thể chất và chất lượng cuộc sống.

Song song đó, mỗi người cần chú ý đến sức khỏe nhiều hơn, nhất là những dấu hiệu ung thư phổi. Các dấu hiệu của ung thư phổi rất khác nhau ở mỗi cá nhân. Một số bệnh nhân có dấu hiệu rõ ràng liên quan đến phổi, một số khác thì không có dấu hiệu cho đến khi ung thư di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Hầu hết những người bị ung thư phổi không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển. Các triệu chứng ung thư phổi có thể bao gồm ho trong một thời gian dài mà không giảm, đau ngực, khó thở, khò khè, ho ra máu, cảm thấy mệt mỏi mọi lúc, giảm cân không rõ nguyên nhân. Một số thay đổi khác có thể xảy ra với ung thư phổi có thể bao gồm các đợt viêm phổi lặp đi lặp lại và hạch bạch huyết bị sưng... Do đó, khi có một vài triệu chứng này, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra và tìm ra nguyên nhân cụ thể, nếu phát hiện sẽ được can thiệp sớm, giảm nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bản thân, bác sĩ Bùi Béc Gol khuyến cáo.

Huyền Trân
Video truyền thông
  • PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU
  • PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU
  • KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG DỊCH VỤ XÉT NGHIỆM HIV ONLINE
  • NHẬN BIẾT SỚM BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT ĐỂ ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ
  • THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 57
  • Trong tuần: 4 317
  • Tất cả: 970037

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com