Hiện nay bên cạnh các chợ truyền thống, chợ đầu mối, trung tâm thương mại... thì chợ tự phát cũng ngày càng mọc lên nhiều hơn, từ các ngõ ngách ở đô thị, đến các đường làng, thôn xóm thậm chí là ngay trên dốc cầu tại một số tuyến đường giao thông cũng có thể trở thành chợ tự phát. Người bán thì đa dạng với bất cứ thứ gì mà họ có được từ mớ rau, con cá, quả trứng... người mua thì cũng đủ thành phần và họ cũng không phải quá kén chọn vấn đề chất lượng hàng hóa và độ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có thể nói, chợ tự phát là một loại hình kinh doanh cá thể nhỏ, nó có giá trị văn hóa truyền thống lâu đời về lối sống làng, bản theo phương thức tự sản, tự tiêu, tự thỏa thuận với nhau trong việc trao đổi hàng hóa của người nông dân Việt Nam từ bao đời nay. Về mặt tích cực, đây là loại hình góp phần tiêu thụ hiệu quả những mặt hàng nông sản do chính người nông dân họ tự sản xuất được, góp phần tăng thêm thu nhập kinh tế hộ gia đình mà không cần phải có giấy phép kinh doanh, môn bài, không cần phải đăng ký địa điểm kinh doanh, thuê mướn mặt bằng, thuê mướn lao động hoặc cần phải đầu tư nguồn vốn lớn… Tuy nhiên, trên thực tế chợ tự phát cũng là một trong những tác nhân gây nên sự cản trở giao thông; góp phần làm ô nhiễm môi trường từ rác thải của các loại rau, củ, quả nước xả thải từ việc chế biến thịt, cá; làm thất thu nguồn ngân sách địa phương; làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hộ tiểu thương tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống và quan trọng hơn là vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Minh Hợp, Phó Ban quản lý chợ, thuộc Phòng kinh tế hạ tầng thành phố Cà Mau cho biết: “Hiện nay trên địa bàn thành phố Cà Mau, ngoài các chợ truyền thống và chợ đầu mối như: Phường 1, phường 7, phường 8… thì cũng còn có rất nhiều điểm họp chợ tự phát của người dân trên địa bàn, mà việc kiểm tra, xử lý về vi phạm trật tự, về an toàn vệ sinh thực phẩm là vô cùng khó khăn. Hầu hết những hộ kinh doanh này đều không có các loại giấy phép theo quy định. Đối với thịt gia súc, gia cầm người dân tự ý bày bán theo các tuyến đường quanh chợ, nguồn thịt chủ yếu là lấy từ các lò giết mổ thủ công, lò giết mổ lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ chỉ được sơ chế qua loa rồi bày bán ngay trên vỉa hè, lòng đường… Còn đối với rau, củ, quả thì gần như là rất khó trong việc lấy mẫu để kiểm tra định kỳ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản. Do vậy tiềm ẩn về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất lớn”.
Ông Tạ Hoàng Phấn, 48 tuổi, ngụ ở xã Phú Tân, huyện Phú Tân từ nhiều năm nay là người chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản, thịt cá dạo khắp các ngõ ngách trên địa bàn thành phố Cà Mau và các huyện lân cận bằng chiếc xe ba gác tự chế. Ông Phấn phân trần: “Di chuyển liên tục trong ngày qua nhiều địa phương cũng mệt mỏi lắm, nhưng được cái sẽ bán được nhiều hàng hơn, mà cũng không cần phải đóng góp các khoản thu phí này nọ cho địa phương theo quy định. Nhờ vậy mà mình cũng có các mối quen để thu gom được hàng hóa với giá rẻ trong nông dân…”.
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có nhiều đợt ra quân lập lại trật tự buôn bán tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối, quyết liệt giải tán các chợ tự phát… theo Chỉ thị số 04/CT-UBND, năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường chỉ đạo kinh doanh khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan ban, ngành tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau tập trung đẩy mạnh thực hiện quản lý nhà nước trong công tác quản lý chợ tại địa phương… Thường xuyên kiểm tra các chợ đã được công nhận chợ đạt chuẩn nông thôn mới, chợ an toàn thực phẩm.
Chủ trương là vậy, nhưng trên thực tế tình hình vẫn chưa được chuyển biến theo hướng tích cực. Chợ tự phát, dẹp nơi này lại “mọc” lên nơi khác. Ngoài ra, tình trạng người buôn bán dạo tràn lan bằng các phương tiện tự chế khắp các hang cùng, ngõ hẻm, khắp các thôn xóm ngày càng phổ biến cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm và làm ô nhiễm môi trường. Trong khi đó có rất nhiều loại thực phẩm buôn bán theo kiểu tự phát vẫn chưa có thể kiểm soát được về nguồn gốc, xuất xứ và an toàn vệ sinh. Rõ ràng, việc giải quyết vấn đề chợ tự phát là trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Thiết nghĩ, ở mỗi địa phương cũng cần phải có những giải pháp mạnh tay hơn để chấm dứt tình trạng này trong tương lai.