image banner
THỰC PHẨM ĐƯỜNG PHỐ - NỔI LO CHẤT LƯỢNG

Tiện lợi, rẻ tiền, dễ mua, dễ tìm kiếm, màu sắc trông rất dẫn và luôn sẵn có… là đặc trưng những gì thuộc về thức ăn nhanh, thực phẩm đường phố. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh là điều kiện tối quan trọng đối với sức khỏe của người tiêu dùng, thì lại ít được nhiều người quan tâm.

Lâu nay việc ăn uống hàng quán vỉa hè, lề đường… đã trở thành một phần trong lối sống của người dân, mà trong đó không chỉ đối tượng là lao động bình dân, người có thu nhập thấp mà ngay cả cán bộ, công chức, viên chức và thậm chí là người làm nghề kinh doanh, buôn bán có nguồn thu nhập khá ổn định cũng có thói quen này. Tuy nhiên, thực tế cũng đã có không ít vụ ngộ độc từ thức ăn đường phố mà ra. Do đặc thù thời tiết mưa nhiều, nắng gắt luôn diễn biến thất thường, nên đây là điều kiện để cho các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn gây ngộ độc lại càng có cơ hội sinh sôi, phát triển mạnh sẽ dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu, nấm mốc trên các loại thực phẩm sau chế biến và cả thực phẩm chưa được chế biến nếu công tác bảo quản không được cẩn thận. Thế nhưng, đối với một bộ phận người dân thì đây vẫn là sự lựa chọn ưu tiên. Những quán cơm bình dân, xe xôi mặn, gánh bánh mì thịt nướng… sẽ rất dễ nhìn thấy ở các con đường, tuyến phố tại các trung tâm đô thị từ thành phố Cà Mau cho đến các xã, thị trấn. Bởi, thức ăn đường phố luôn đa dạng, phong phú, trông rất bắt mắt với tiêu chí vừa ngon, vừa rẻ còn về chất lượng sẽ tính sau.

Anh Tô Minh Thắng, làm nghề phụ hồ tại khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời bộc bạch: “Thu nhập của anh em phụ hồ như bọn em là thấp lắm, rồi còn phải lo cho gia đình vợ, con nữa. Chứ anh nghĩ làm sao tụi em có tiền để vào các quán ăn đạt tiêu chuẩn để ăn uống hằng ngày, nên đành phải ăn tạm tại các quán vỉa hè vậy. Thức ăn ở đây cũng đa dạng, mà rẻ…”.

Có không ít vụ ngộ độc thực phẩm cũng từ rẻ mà ra. Thực tế cho thấy, đa số các loại thực phẩm dùng trong chế biến thức ăn nhanh được bày bán trên các vỉa hè, đường phố, tại các cổng bệnh viện, trường học, bến xe tàu… hầu hết đều không qua kiểm dịch của ngành chuyên môn và phần lớn đều được thu gom với giá rẻ tại các chợ truyền thống, chợ trời sau đó lại được chế biến, chiên, xào bằng các loại dầu ăn cũng không rõ nguồn gốc để bán cho người tiêu dùng. Ngày càng có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn cả nước, có những vụ ngộ độc tập thể tại các bếp ăn tập thể của công ty, nhà máy lên đến hàng chục người, mà hầu hết là đều do nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng, không được kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh hoặc công tác quản lý chưa đúng cách. Tại tỉnh Cà Mau, cũng vừa có một vụ nghi ngộ độc thực phẩm tập thể tại một nhà máy may mặc trên địa bàn, đã có 15 công nhân phải nhập viện điều trị. Mặc dù chưa xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm nào nghiêm trọng, nhưng đây cũng là một hiện tượng hết sức đáng báo động, bởi nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tìm ẩn mức độ nguy hiểm ngay trong thức ăn, nước uống mà hằng ngày người tiêu dùng vẫn sử dụng. Nếu đó là những loại thực phẩm không có sự kiểm định về độ an toàn của cơ quan chức năng.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Sử, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường, Y tế trường học, Bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau thông tin: “Các chất bảo quản, chất phụ gia, hóa chất, phẩm màu có trong những loại thực phẩm tại các quán ăn đường phố không ai có thể bảo đảm được về tiêu chuẩn, định lượng và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Thêm vào đó, những loại thực phẩm bày bán ở các gánh hàng rong, quán vỉa hè đều có dư lượng muối, dư lượng đường hoặc các chất béo rất cao. Điều này sẽ gây bất lợi cho sự phát triển cơ thể của trẻ và người tiêu dùng nói chung”.

Ông Trương Thanh Tú, Trưởng phòng Công tác thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Hiện nay, đối với những cửa hàng cố định đã có giấy chứng nhận và được cơ quan chức năng của tỉnh, huyện thường xuyên kiểm tra thì không đáng lo ngại. Ngược lại, cái khó trong công tác quản lý, kiểm tra về an toàn vệ sinh thưc phẩm và kể cả việc xử phạt đó chính là những gánh hàng rong. Cứ vào giờ tan học là đủ loại đồ ăn, thức uống được bày bán trên những chiếc xe đạp, xe đẩy… lại xuất hiện trước cổng trường. Khi cơ quan chức năng đến, họ lại nhanh chóng di chuyển sang các địa bàn khác. Thậm chí, khi bị xử phạt, họ sẽ sẵn sàng bỏ cả phương tiện, đồ nghề để thoát thân”.

Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, đều không có địa điểm cố định và cũng không địa chỉ cụ thể, cơ sở vật chất ọp ẹp, hạn chế. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm rất cao trong cộng đồng. Do vậy, đòi hỏi công tác kiểm tra, quản lý, xử lý những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống của các cơ quan chức năng cần phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Phương Vũ
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.11.2024
  • TTND - Bác sĩ Trương Minh Thắng - Nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Minh Hải - Cà Mau kể về công tác y tế trong sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954
  • Phòng chống Sốt rét
  • TẠP CHÍ YHSK 18.10.2024
  • TẠP CHÍ YHSK 20/9
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 28
  • Trong tuần: 4 780
  • Tất cả: 1020979

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com